-->

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Cách đoán tử vi


..
CÁCH GIẢI ĐOÁN TỬ VI

(Bổ sung cho các bạn đã ...."bắt đầu" nghiên cứu)

(Giải đoán tử vi - bài 1)

(Ảnh trên chỉ minh họa 1 bản tử vi)
Sau khi tôi post loạt bài Lý học Đông phương, rất nhiều bạn đã gặp tôi hỏi về phương pháp giải đoán tử vi hoặc nhờ lập bảng đoán giùm. Hiện nay rất nhiều sách và chương trình lập bảng sẵn, các bạn tự làm. Tôi xin mạn phép ghi lại để các bạn tự xem, riêng tôi thì không xem và không chấm số vì mình không phải là chiêm tinh gia! Sau đây là vài kinh nghiệm ít ỏi mà mình tổng hợp được:
I - Luận đoán cung Mệnh viên:
1/- Có chính tinh tọa thủ:
Cung bản mệnh (còn gọi là cung bổn mạng – “bản ngã ” ), chứa nhiều nhất là 2 chính tinh của vòng tử vi, thiên phủ. Các sao còn lại là các sao nhỏ, mang tính chất diễn giải phụ họa thêm cho các sao chính. Khi xem ta không nên đem các lý luận về âm dương - ngủ hành vào, vì thường là sai, độ chính xác âm dương - ngủ hành đạt tỷ lệ khỏang 10 -> 15%. Các bạn nên xem cung đối xung (cung chính chiếu = cung khắc) và cung bàng chiếu (Cung tam hợp) có các sao chính nào để kết hợp với sao chính (chính tinh) tọa thủ trong mệnh có thành bộ hay không? Tuỳ theo bộ sao có đủ hay thiếu.
- Nếu đủ bộ là có giá trị phát huy với điều kiện nhập miếu, vượng hay đắc địa tọa thủ.
- Không đủ bộ là tính chất phát huy bị giảm 40 -> 60% giá trị.
* Xem hai cung bên cạnh kề (lân cung)với Mệnh viên có sao nào nổi bật có thể giúp đở không (cung phụ mẫu và Huynh đệ) – đó là hai bên “tiền hô hậu ủng ”, hỗ trợ cho cung mệnh viên.
* Chú ý: Bạn phải xét cung mệnh có gặp hai sao Tuần ( hoặc triệt ) hay không ?
- Trường hợp 1: tại cung mệnh có Tuần hoặc Triệt tọa thủ. Bị ảnh hưởng nặng nề (nhất là triệt tọa thủ), làm giảm tác dụng 80% giá trị của bộ sao.
- Trường hợp 2 : Tuần và triệt đồng cung: hai sao nầy đã triệt tiêu hóa giải lẫn nhau, xem như bị bỏ ra ngòai bảng, không sử dụng tới.
- Trường hợp 3: Tuần hoặc Triệt chính chiếu, bàng chiếu vào mệnh viên.Trường hợp này thì tính chất phát huy của bộ sao bị giảm đi. Tuy nhiên, kinh nghiệm của các cụ cho biết Triệt chỉ tác dụng rất mạnh trong 30 năm đầu, từ năm thứ 31 trở đi không còn hiệu lực nữa. Riêng Tuần thì ảnh hưởng tuy không rõ nét lắm nhưng “lai rai” suốt cả 60 năm cuộc đời.
+ Bộ sao xấu hãm địa gặp tuần, triệt thì trở nên bình thường.
+ Bộ sao miếu vượng gặp tuần triệt gặp tuần triệt thì xem như bị phá cách (hỏng).
2/- Không có chính tinh tọa thủ (vô chính diệu) :
a/- Xem cung đối xung ( là cung Thiên di – “Tha nhân”) chính chiếu:
Có chính tinh nào ở cung nầy thì sử dụng làm sao bản mệnh. cách xem tương tự như phần (1).
b/- Không có chính tinh cung đối xung:
+ Dùng chung bộ sao tam hợp (bàng chiếu), hoặc cung nhị hợp để đoán.
+ Xem có nhị, tam, tứ không hợp chiếu không? (Tuần không, Triệt không, Địa không, Thiên không). Nếu có thì là hàng hiệu thứ dữ dằn đó! Dĩ nhiên là nhị không thì không bằng tam, tứ không…Mệnh vô chính diệu đắc nhị không trở lên là có "uy vũ " (diệu võ dương oai) , uy tín đầy mình!
+Xem có một hoặc hai trong tứ hóa nằm bên trong cung không (hóa khoa, hóa quyền, hóa lộc, hóa kỵ) hoặc nằm từng cung liền kề nhau gọi là tứ hóa liên châu …(phát to đấy!)
c/- Cung bàng chiếu cũng không có chính tinh:
+ Phải xem kỹ lại sự ảnh hưởng của cung phúc đức và phụ mẫu (Phần nầy sẽ nói sau).
Như vậy ngoài cung bản mệnh, ta thường phải xét thêm 6 cung nữa!
3/- Mệnh và cục (cuộc):
Trong tử vi, sử dụng sinh khắc ngủ hành của mệnh và cục (cuộc) chỉ để diễn giải độ nặng nhẹ của sự phát huy tác dụng cho toàn lá số, riêng các cung thì gần như không đá động đến.
4/- Cách diễn giải:
+ Để có lời giải chắc chắn, phải xem phú của Trần Đoàn tiên sinh là “luật” để đưa ra các quyết đoán tối hậu cho “đương số ” (thân chủ). Hiện nay một số bộ phận trong nhân dân sử dụng bản dịch của cụ Lê Quý Đôn là “Phú nôm cốt tủy” và một số phú của các cụ khác. Một số sách hiện giờ đang lưu hành “kín đáo” của các giáo sư, học giả như: Vân Đằng Thái Thứ Lang, Nguyễn văn Toàn, Nguyễn Phát Lộc, Lê Trung Hưng, Thiên Lương, Hà Lạc Dã Phu Việt Viêm Tử…. viết bằng lối văn hiện đại cũng dễ tiếp thu và một số hậu duệ của các bậc ẩn nho cũng đã viết sách riêng (không lưu hành) để làm truyền thống gia đình….
+ Tôi đã đọc qua một số sách đó…. Các cụ đều dựa vào phú để đoán, rất ít khi nào dùng dịch lý, âm dương, ngủ hành để sử dụng, các cụ cho biết phần nầy không đúng vì ảnh hưởng nếu có nhiều lắm cũng chỉ 10%.
+ Sau khi dựa vào phú để giải đoán, cần cân nhắc sự đủ thiếu của các bộ sao cũng như ảnh hưởng của tuần, triệt, miếu, hãm… mà quyết đóan sự “nặng, nhẹ” của ảnh hưởng tốt, xấu, trung bình… giống như một vị lương y tĩnh dược, bắt mạch, trầm ngâm chiêm nghiệm bốc thuốc cho đúng cân lượng của 108 “vị thuốc” này.


GIẢI ĐOÁN TỬ VI (2)

5/- Cung an thân:
Cung thân chính là cung mệnh viên của nửa cuộc đời về sau (từ 31 tuổi trở đi). Các chính tinh tọa thủ trong cung an thân được xem là sao “thủ mệnh đợt hai”. Cách luận các bộ sao cũng giống như trên nhưng đơn giản hơn vì phải dựa phần lớn vào gốc cung mệnh viên của mình. Có hai trường hợp xãy ra:
a/- Cung thân được an tại 11 cung ngoài mệnh viên:
-Theo nguyên tắc đây là sự nghiệp đeo bám đến cuối đời, cho nên an tại cung nào thì sẽ chịu ảnh hưởng cung đó. Thí dụ cụ thể:
*An tại cung quan lộc sẽ là trí thức, công chức, có địa vị hay có uy tín trong xã hội.
* An tại cung tài bạch là chủ yếu kinh doanh thương mại, ngân hàng, thuế vụ,…
* An tại thiên di: chủ yếu giỏi về ngọai giao, đối nhân xử thế, du lịch, giang hồ (?)…. Nhưng chưa chắc là rời khỏi nước đâu!
* An tại cung thê (thân cư thê cho mấy ông) chưa chắc là sợ gấu đâu (nói hụych toẹt là sợ vợ mới anh hùng)
! Có ý nghĩa là nhờ vả hiền thê đấy
, còn nữ mạng thân cư phu là chuyện thường!

*….etc…
b/-Thân mệnh đồng cung:
Luận giải đơn giản hơn thông thường, đây là trường hợp đặc biệt, đương số hoàn toàn tự lực trong cuộc đời, cha mẹ, anh chị em, bà con thường không giúp được nhiều gì cho đương số, trái lại đương số còn phải gánh vác thêm việc gia đình, gia tộc và thường rất vất vả mới nên sự nghiệp (bạch thủ thành gia).
6/- Sự liên quan giữa mệnh và thân:
Như ta biết, cung an mệnh ảnh hưởng 30 năm đầu và cung an thân ảnh hưởng từ 30 tuổi về sau, nhưng phải xét bộ sao kết hợp giữa mệnh, thân có đồng bộ hay không nữa chứ!
- Nếu là bộ sao cung mệnh thuộc tính văn kết hợp với bộ sao thuộc tính văn ở cung an thân là tốt, bộ sao thuộc tính võ cũng tương tự vậy.
-Nếu hai bộ văn, võ khác nhau: vất vả, đổi nghề, nguy hiểm tính mạng…. (phải xem kỹ dựa trên phú Trần Đoàn mới quyết đoán nhé, nếu nói xàm coi chừng thân chủ để cây lên đầu …

hìhìhì

….!)

Thí dụ đơn giản:
* Từ cung mệnh đến cung an thân nếu có bộ tứ hóa đi liền kế các cung theo vòng đại tiểu hạn trùng phùng thì quá tốt đẹp (hóa khoa, hóa quyền, hóa lộc, hóa kỵ): Mỗi hóa tương ứng với 10 năm, trong 40 năm thành công như thế quả là tuyệt vời.
*Mệnh có tử phủ vũ tướng, thân có sát phá liêm tham (tướng võ đấy) kết hợp với trung tinh đắc cách tả phù hữu bật song lộc triều chiếu (hóa lộc, lộc tồn): Ý nghĩa là vua có bề tôi đầy các tướng văn võ, giàu sang phú quý tột bực, nhưng nếu có hung tinh ác sát xâm phạm như kình đà hỏa linh không kiếp… là ông vua bị nạn gặp hung đồ loạn trào

thì làm sao triều đình bền vững được, chỉ còn đi tu

họa may ra mới sống thọ, nếu thêm được long phượng tướng ấn thì đi tu sẽ.. khá lắm, số kết phát đến hòa thượng !...hihihi


GIẢI ĐOÁN TỬ VI (3)

II- CUNG THIÊN DI:

Cung thiên di nằm ở vị trí trực đối (còn gọi là đối xung, xung chiếu, chính chiếu) với cung mệnh viên. Nếu cung mệnh là bản ngã thì cung thiên di chính là tha nhân. Ý nghĩa là các việc cư xử, đối ngoại và ngoại giao của đương số.
-Luận đoán cũng tương tự như cung mệnh và thân. Ta tiên đoán tính cách của cung nầy qua các chính tinh toạ thủ trong cung, tìm xem coi có bộ trung tinh đắc cách nào không để kèm thêm ý nghĩa, nếu có hung tinh ác sát thì bộ nầy có đắc địa hay không hay bị hãm địa.
-Cách xem là dựa vào các sao toạ thủ cung thiên di với các tam hợp chiếu – Không dùng lân cung, không dùng nhị hợp,
không dùng dịch lý, không dùng ngủ hành sinh khắc. Sử dụng phú giải như cung an mệnh và thân.
-Cung nầy cho biết “bá tánh” đối xử với đương số như thế nào (Tốt, trung bình, xấu), họ có giúp đở được nhiều gì khi tiếp xúc với họ hay không? Có thuận lợi trong việc đối ngoại không? Có thường gặp được người có địa vị cao quý trong xã hội không?
*Thí dụ 1(đơn giản): Người có cung thiên di tốt thì hành nghề giới thiệu sản phẩm bán được chạy mặt hàng và được Giám đốc tin cậy!
*Ex 2: Người có cung thiên di tốt (trong trường hợp đơn giản) có sao thiên mã toạ thủ là chạy việc, đi xa có lợi, nếu gặp thêm lộc tồn hoặc hoá lộc thì mới xuất ngoại xa làm ăn học hỏi thành đạt v.v…, nhưng gặp thêm hàng dữ như hung sát tinh… thì rõ ràng là xuất tổ ly tông, tha phương cầu thực… (là đệ tử Cái bang đó )
*Ex 3: Nếu có thiên mã, có song lộc, chỉ có gặp tuần thì xuất ngoại du lịch xa rồi trở về, gặp triệt là khỏi đi (ngựa què). Nếu mệnh có thiên mã toạ thủ nếu gặp trường sinh là đi luôn không về quê nữa…
*Ex 4: Nếu thiên di có thiên mã, song lộc, được trung tinh đắc cách thêm thiên khốc, điếu khách thì rất tốt (mã khách khốc là ngựa chạy lốc cốc)…. ý nói ngựa chạy đường trường giống như “mã ngộ trường sinh”
*Ex 5: Cung thiên di có thiên mã gặp sao “ tuyệt” nằm chòm sao trường sinh chính chiếu là thậm chí nguy vì “mã ngộ tuyệt ” là ngựa gặp đường cùng làm sao mà xuất ngoại được? …

GIẢI ĐOÁN TỬ VI (4)

III- Cung huynh đệ:
* Tính chất của cung chỉ nêu được tổng quát về sự thành đạt công danh sự nghiệp của anh chị em của đương số, tình cảm có gắn bó với nhau không. Về số anh chị em trai, gái thì không chính xác.
* Cách luận đoán chỉ dùng chính tinh tọa thủ và các trung tinh, bàng tinh tam hợp, chính chiếu, không dùng lân cung, nhị hợp. Quyển Tử vi đẩu số của Trần Đoàn chỉ xuất hiện vào thời sơ Tống truyền cho các quý tộc Trung Hoa để sử dụng tuyển chọn nhân tài, rất tiếc là triều Tống luôn bị các ngoại tộc xâm lược nên không kịp phát triển. Thời mạt Tống các quý tộc còn sót bỏ chạy về Việt Nam nên không còn giữ bí mật nữa, họ giao lại “chính thư tử vi” cho triều Trần tiếp tục nghiên cứu, do đó tử vi phát triển rầm rộ tại đây được các học giả phương nam nhiệt liệt tiếp tục phát huy thêm kinh nghiệm thống kê tổng hợp, cách giải phú Nôm đã phát triển rầm rộ, nhiều tác giả Việt bổ sung thêm cho phú Trần Đoàn sau khi đã qua nhiều kiểm chứng, ta có thể tóm gọn một số ý đơn giản về cung huynh đệ:
+ Gặp cô thần hoặc quả tú: thường ít anh chị em.
+ Gặp cô, quả hợp chiếu: là con một.
+ Gặp long, phượng: có đủ anh và chị em, nam thanh nữ tú
+ Gặp các văn tinh, tài tinh, phúc tinh : khoa bảng, hòa thuận, phát đạt, giúp đở lẫn nhau.
+ Gặp hung tinh ác sát: ly tán, bất hòa, nghèo khổ… (tùy trường mà hợp quyết đoán)
IV- Cung Phụ mẫu:
* Tính chất của cung phụ mẫu cho biết sự thọ yểu của cha mẹ qua hai sao Thái dương và Thái âm, cùng với đương số sinh ban ngày hay đêm mà nhờ đức của cha hay của mẹ, cha mẹ có hòa thuận không, giàu, trung bình hay nghèo; nghề nghiệp của cha mẹ, v.v…
* Cách tổng hợp bộ sao để đưa ra quyết đoán tương tự như các cung khác. Trường hợp đơn giản như nếu cung phụ mẫu có lộc, mộ (trong vòng trường sinh) là giàu!
* Ghi chú:
+ Nếu chính tinh của cung phụ mẫu có trùng với sao thủ mệnh, an thân của đương số thì đương số là người được “truyền tinh” (truyền tính chất sao), thường thì đương số là con trưởng hoặc đoạt trưởng, là “cục cưng” hạng nhất của cha mẹ, được tin cậy nhất giao cho giữ két và bằng khoán…
+ Nếu đương số mệnh vô chính diệu nhưng các cung hợp chiếu, chính chiếu có sao truyền tinh cũng có giá trị như trên. Trường hợp mệnh vô chính diệu có thể lấy 45% giá trị tính chất bộ của cung phụ mẫu để thay thế vào.
V- Cung phúc đức:
Cung phúc đức có phần nào đó là “tâm linh” đấy! Theo Trần Đoàn chỉ sự kết phát mồ mả của tổ tiên (họ nội), riêng Việt Nam có kết hợp một ít cho họ ngoại vì còn có phần của người mẹ sinh ra đương số, do đó nên các cụ thường bảo “ăn hiền ở lành để phúc đức cho con cháu về sau” (?). Mộ tổ nằm trên địa hình thế nào? Giống con gì? Có tay long tay hổ minh đường huyền võ ra sao, các án, gò đống có giống chiêng trống, nghiên bút không ?….(giống địa lý nhỉ?), kết văn hay kết võ, giàu hay nghèo, kết mấy đời? của sơ - cố - nội hay anh em của các cụ đó?.... là do các chính tinh tọa thủ trong cung phát huy được hay không.
*Cách giải đoán cũng giống như các cung trên, chỉ cần chính chiếu và tam hợp.
* Một số kinh nghiệm của các cụ :
+ Mệnh vô chính diệu gặp các hung tinh ác sát, luận sự thọ yểu hay thành đạt của đương số còn phải luận thêm hai cung phúc đức và phụ mẫu để quyết đoán, tỷ lệ chỉ chính xác 40%, tuy nhiên cũng quan trọng không kém cung bản mệnh, an thân.
+ Cung phúc đức nếu được “mộ” (trong vòng sao trường sinh) là quý hóa lắm, nếu thêm lộc chiếu vào nữa thì tổ tiên phò hộ cho đương số “làm ăn” phát đạt cực phú quý đấy, gọi là “tích ngọc mai kim”(vàng chôn ngọc cất).
VI- Cung Thê thiếp (Phu quân):
Luận đoán cho cung nầy nghĩ cũng buồn cười! Thuở xưa có thiếp đời nay làm gì được như vậy ? Ấy vậy mà đâu đó trên dãy dất chữ S nầy vẫn còn cho các “cụ” thuộc U50 trở lên và một số bộ phận lớp trẻ vẫn còn phạm luật hìhìhì…. ….!!!
Cách đoán cũng tương tự các cung trên, nói lên hình tướng, dung mạo, nghề nghiệp, gia thế, tính tình của người hôn phối của mình. Các sao thai, thai phụ, đào hoa, hồng loan, thiên hỉ… tuy là sao nhỏ không đáng kể so với các cung khác, nhưng xem cung phu - thê được cung kết hợp với chính chiếu, tam hợp, nhị hợp và cả lân cung và được các cụ ưu ái xem xét tỉ mỉ để đưa ra kết luận tại …cuộc họp kín nầy!
Hihihi….

+ Kình dương, lực sĩ là đô con, đẹp mặt đẹp mày mỹ mạo là long phượng. Đế vượng, riêu, y là tóc tai lông lá râu ria rậm rạp hihihi !!!
…. hồng, đào có nhiều bồ …. nếu bị hãm địa tuần triệt gì đó là lùn lùn nhỏ con mini dễ bồng dễ ẳm…. hahaha...
….!

+ Các bạn trẻ thường chú ý khoản nầy vì đây là đoạn đường “đau khổ”(?) mà ai cũng phải đi qua. Điểm quan trọng là khi nào vận hạn lưu đến cung nầy thì có nghĩa là thuận tiện kết hôn mà thôi, có nhiều người cung phu (thê) rất tốt đẹp mà vẫn chăn đơn gối chiếc
đó là do tại ai nên nỗi ? !!!! Các thầy bà ngồi bóng mát gốc đa xem quẻ cho khách thì tha hồ nói dóc kia kìa... hihihi

…...
ĐOÁN TỬ VI (5)
VII- Cung Tử tức:
Viết đến đây lại thêm một trận cười thầm… Bây giờ số lượng con cái quá rõ, đâu phải như ngày xưa người ta thường tính từ đứa đầu đến đứa út có khi cả tá !!! Để lách luật các bạn trẻ thường đùa: bà vợ cả đẻ hai đứa con, ly dị, bước thêm nữa với bà hai cũng được 2 đứa con, ly dị , bước thêm nữa với bà ba …. cứ thế làm hoài!
Nữ mệnh cũng vậy với ông chồng đầu được 2 đứa con , ly dị, …v.v… và còn nhiều cách khác nữa (?) . Chủ yếu cung nầy chỉ để tham khảo sự thống kê chính xác của các cụ đến độ nào mà thôi.

* Cách giải cũng tương tự như trên, không tính cung nhị hợp và lân cung. Dùng ý nghĩa thuộc tính của chính tinh toạ thủ cùng với các trung tinh bàng tinh chính chiếu tam hợp mà giải. Dĩ nhiên chính tinh là chủ trì được bao nhiêu con trai con gái, nghề nghiệp, học hành, giàu nghèo, hiếu thuận hay không ?…Có nhờ cậy phụng dưỡng khi đương số về già hay không ? (Dưỡng nhi đãi lão), đời nay dịch nghĩa nôm là nuôi trẻ để về già chúng nó đưa mình vào trại dưỡng lão
...hihihi….

* Do khi xưa nhà nào cũng đông con là chuyện thường, các cụ chú trọng đến số con ít oi, hiếm muộn khi gặp các trường hợp như sau:
- Lộc tồn : hiếm con gái, chỉ có một hoặc hai con.
- Kình, Đà, Linh, Hoả: đắc địa gặp các chính tinh miếu vượng hội họp: 02 hoặc 03 con.
- Đẩu, Cô, Quả: chỉ có 01, nếu có 02 là phá gia chi tử.
- Kình, Đà, Linh, Hoả hãm địa: không con ; nếu có thì là loạn thần tặc tử, phản phúc.
- Dương, Đà, Cô, Quả: không con.
*** VIẾT THÊM :
- Cung tử tức thường không chính xác, các cụ quyết đoán được khi nào xem lá số của cả hai vợ chồng, lấy trung bình cộng để tính ra số con của hai vợ chồng.
*** Tình cờ tôi có mặt trong cuộc xem số tử vi cho một bà xồn xồn, trước đó bà đã nhờ người khác đến xem hộ, không biết bà nầy có vấn đề gì với “ông thầy” hay không mà bà ta cầm một lá số đến mắng vốn ông “thầy” xem quẻ:
- Thầy nói số nầy “thọ” là sai, đây là lá số em ruột của tui đã chết cách đây hơn một tháng!
Ông thầy đáp:
- Giờ sanh của lá số bà đưa là sai! Nếu đúng giờ sanh nầy là thọ lắm đó!
- Ba má tui ghi đúng giờ Đông Dương mà, hơn nữa lá số nằm giữa giờ Tỵ đâu có lệch được?
- Nếu vậy thì tháng sanh sai !
- Sai sao được, ba má tui còn giữ tờ lịch hồi má tui đẻ “nó” đây nè!
- Như vậy tháng sanh phải ghi lại cho đúng, phải canh theo tiết khí, sương giáng chưa tan hết làm sao tính tháng 10 cho được, coi tử vi phải xét theo mùa như tử bình mà !
- Còn số con của vợ chồng tui ông nói trật lất, tụi tui có 04 đứa sao ông lại nói 05 đứa, ông trả tiền quẻ lại cho tui!
- Thiệt mà! Bà sanh đủ 05 đứa đó!
- Tui già rồi (?) còn đẻ chửa gì nữa?
-Thiệt mà, sang năm bà đến đây tui xem số cho cháu bé không tính tiền đâu ! Bà về nhà canh chừng ổng đó !
- ????!!!!


ĐOÁN TỬ VI (6)
Các cung còn lại các bạn cũng dùng phương pháp như các cung đã nêu như sau:
* Dùng chính tinh toạ thủ và các bộ sao khác để luận giải sau khi xét miếu hãm và tuần triệt mà quyết đoán.
* Nếu cung vô chính diệu thì dùng tam hợp chính chiếu để thay thế, không dùng nhị hợp và lân cung.
* Các bộ sao chính tinh, trung tinh, bàng tinh, hung tinh có đủ bộ hay không mà tính giá trị phát huy nhiều hay ít. Nên nhớ xem các câu phú giải của Trần Đoàn là LUẬT , các phú giải của các cụ ở Việt Nam ta là văn bản dưới luật giống như “quyết định, thông tư, công văn, thư mời họp …etc….” , đừng dùng dịch lý ngủ hành sinh khắc sẽ bị đi lạc vào “ma đạo”…
hihihi …

* Đây là kinh nghiệm thực tế, thường thường ta tự xem cho chính mình trước hoặc các thân nhân trong gia đình để đối chiếu sự đúng sai có “nhân chứng” và “vật chứng” để rút kinh nghiệm cụ thể. Sau đó là cả họ hàng và bạn bè…. Kinh nghiệm cho thấy thời nay quẻ bói thường chỉ linh nghiệm với người phàm, riêng công an thì hay bị “lạc quẻ” nên các thầy bà tránh né …
hihihi….Tôi sẽ post tiếp về cách xem vận hạn và phân loại tính chất các sao trong các bài kế tiếp.

* Với tổng số vài mươi lá số trong tay thì an sao (còn gọi là trang quẻ) bắt đầu thành thục thao tác, tập đoán được từ 150 – 300 lá số - lúc nầy có thể làm THÁNH PHÁN - có thể hạ sơn rồi đó. Tuy nhiên coi chừng trong chốn giang hồ có nhiều cao thủ khó cạnh tranh, nên thường phải tìm cho được sư phụ nào đó chỉ bảo thêm để tránh các lão tiền bối khác ăn hiếp!!!
* Phần trình bày hướng dẫn của tôi có khác với Trần Đoàn ở chỗ là đem quyển hạ giới thiệu cho các bạn xem trước, quyển thượng của ông ta thì tôi đề cập sau (vì bắt chước theo phương pháp sư phạm hiện đại giống như đem bài tính toán thiên văn học dạy cho cấp một và tập rèn chữ cho sinh viên năm thứ nhất). Nếu có gì không phải xin các bạn bỏ lỗi cho
….hihihi….

Các cung còn lại gồm có:
VIII- Cung Tài bạch : chủ yếu xem về tiền bạc, xưa là kim ngân, nay phải đổi mới là kho quỹ, ngân phiếu cổ phần….
IX- Cung Tật ách ( hoặc Giải ách): chủ yếu xem các tai nạn và bệnh tật của đương số, bệnh nặng hay nhẹ? Có qua khỏi hay không?
X- Cung Điền trạch: Xem về của cải như nhà cửa, ruộng vườn, đất đai…. cũng phải đổi cách nhìn như xưa là trâu cày, ngựa kéo, nay phải là xe tải , xe con….
XI-Cung Nô bộc: Cách nhìn đời nay có khác với xưa: nô bộc dùng để chỉ bạn bè của mình, người giúp việc cho mình, các công nhân xí nghiệp mà mình phải trả lương ..etc……
XII- Cung Quan lộc: Xem sự nghiệp về học vấn, thi đậu hay rớt, nghề nghiệp, thăng quan tiến chức hay bị bãi nhiệm, làm việc có lâu bền không hay chuyển đổi ngành nghề bao lần…
ĐOÁN TỬ VI (7)
A- LUẬN ĐẠI HẠN:
I- Đại hạn (hay còn gọi là đại vận) là các con số ghi trên các cung, có 5 lọai:
1-Thủy nhị cục: ghi số 2 tại mệnh viên tiếp tục ghi số 12 cung kế bên, lần lượt 22, 32, 42, 52, 62 … an thuận hành hoặc nghịch hành tùy theo tuổi (các bạn có thể tham khảo các loại sách hiện đang lưu hành trên “thị trường”…).
2- Mộc tam cục : ghi số 3 tại mệnh viên, lần lượt các cung khác ghi 13, 23, 33, 43 …..v.v…
3- Kim tứ cục : ghi 4, 14, 24, 34….. v.v….
4-Thổ ngủ cục : ghi 5, 15, 25, 35 …..v.v…
5-Hỏa lục cục : ghi 6, 16, 26, 36 …..v.v…
II- Giải đoán:
1- Đồng hạn : là hạn còn ở tuổi thiếu niên nhi đồng, các bạn xem trực tiếp tại các cung như sau : 01 tuổi xem ở cung mệnh viên, 2 tuổi xem ở cung khác (tham khảo ở các sách vừa kể) . Chú ý số tuổi được tính theo cổ truyền: khi sinh ra là được tính 01 tuổi, thôi nôi là 02 tuối…. như vậy bạn nào sinh năm 1987 tính đến năm 2007 là 21 tuổi!
2- Đối với thủy nhị cục :
*Từ 22 tuổi đến 31 tuổi xem tại cung có ghi số 22; trong vòng 10 năm nầy có diều gì ảnh hưởng phải xem ý nghĩa của chính tinh tọa thủ tại cung ghi số 22. Tìm mục chính tinh tọa thủ tại mệnh trong đó có chú giải phần “Hạn” của chính tinh, giải theo nam mệnh hay nữ mệnh. Phần luận kèm các bộ dùng phương pháp chính chiếu tam hợp. Tuy nhiên cũng phải tham khảo dùng cung mệnh (hoặc an thân) làm gốc đễ diễn giải quyết đóan.
*Từ 32 đến 41 tuổi xem tại cung có ghi số 32 trong vòng 10 năm nầy có diều gì ảnh hưởng phải xem ý nghĩa của chính tinh tọa thủ tại cung ghi số 32. Tìm mục chính tinh tọa thủ tại mệnh trong đó có chú giải phần “Hạn” của chính tinh, giải theo nam mệnh hay nữ mệnh. Phần luận kèm các bộ dùng phương pháp chính chiếu tam hợp và lấy gốc ở mệnh thân….
* Từ 42 đến 51 tuổi.. xem tại cung ghi số 42…. Tương tự xem cho cung ghi số 52, số 62…. Dĩ nhiên 72, 82, 92, khó ai sống lâu đến tuổi nầy, thường thường thầy bà xem số chỉ coi cho 10 năm thôi, sau đó vì lười biếng nên nói với thân chủ (khách xem) rằng…. kỳ sau đem lá số lại để họ đối chiếu nếu có gì lo lắng (?)… hihihi các thầy bà đuổi khách khéo để còn chạy show kiếm mối khác mà!
3-Các cục khác còn lại cũng xem tương tự thế ….
4- Chú ý đến tứ hóa: Hóa khoa, hóa quyền, hóa lộc, hóa kỵ có nằm liền kề nhau không? Mỗi hóa ứng cho 10 năm phát huy . Nếu được 3 hóa, 4 hóa kề các cung liền nhau ta gọi là liên châu phát to đấy! Nếu có khỏang cách một cung giữa các hóa thì công danh sự nghiệp chìm nổi giữa sóng ba đào…
B-LUẬN TIỂU HẠN:
Tiểu hạn là xem từng năm, hay nói rõ là xem từng chi tiết trong thập niên ở đại hạn.
Ta nhìn vào thiên bàn (các bạn tham khảo thiên bàn tại bài đã post Lý học Đông phương), những chữ Tí, Sửu…. Tuất , Hợi ghi theo đường kẻ phân biệt địa bàn (12 cung) và nhân bàn (ghi tên họ, năm tháng ngày giờ sinh) , 12 chữ nầy là thiên bàn đã an cho từng tuổi.
1- An các sao lại trên thiên bàn: Điều nầy rất ư là dễ sợ cho các thầy bà còn non tay ấn! Vì các sao không còn ở vị trí cung địa bàn nữa mà chạy theo năm, Thí dụ tuổi kỷ hợi thì sao thiên tuế nằm tại cung HỢI địa bàn, nhưng đến năm đinh hợi 2007 thì thiên tuế an tại HỢI thiên bàn…và dĩ nhiên là bà con giòng họ 11 vị (cả chòm) chạy đến chỗ mới . Do đó gần phân nửa các sao đã đổi chỗ không còn giống trên tấm giấy (lá số) đã ghi sẵn theo địa bàn! Nhưng cũng may, chỉ an cho các phi tinh mà thôi.
2- Lấy cung đại hạn làm gốc. Một thí dụ đơn giản như sau: một thân chủ nào đó năm nay 2007 Đinh Hợi được 34 tuổi xem năm 2007 có gì xãy ra, Vị “Thầy bà” nhìn vào nhân bàn thấy ghi là hỏa lục cục, nhìn vào cung đại hạn ghi số 26 (có nghĩa là hạn trong 10 năm từ 26 đến 35 tuổi) làm gốc, xem thiên bàn hợi (năm đinh HỢI 2007) có chính tinh nào ở trong đó để đóan, nếu vô chính diệu thì lấy “gốc” đại hạn, chính chiếu tam hợp để luận tội …hihihi… . tương tự cho các tiểu hạn còn lại trong vòng đại hạn.
3- Các bạn tập luận tiểu hạn cho các kết cục khác còn lại….
4- Đại tiểu hạn trùng phùng: Khi nào số tuổi của đương số trùng vào cung gốc đại hạn thì ta gọi là Đại Tiểu hạn trùng phùng!
Vào thời điểm nầy các chính tinh, trung tinh, bàng tinh và cả hung tinh ác sát đều phát huy hết công suất ! Do đó tùy theo trường hợp mà đóan là cực kỳ tốt hoặc quá xấu… phải cẩn thận khi quyết đóan kẻo thân chủ cho cây mọc trên đầu!!!!
5- Khi nào chết?
Ngày xửa ngày xưa… có một sinh viên đến gặp giáo sư Khổng Tử xin phép nghỉ học:
-Thưa thầy cho con nghỉ học về làm công chức!
-Không được, làm công chức khó lắm vì phải còn qua nhiều khâu chế biến kiểm tra chất lượng sản phẩm, học lực của trò chưa tới nơi tới chốn phải ở lại học nữa!
Lần sau anh ta thấy bạn đồng song của mình ra trường làm Giám đốc, Chánh văn phòng…. Anh ta cầm lòng không đậu đến xin nghỉ học lần nữa :
-Thưa thầy con học hết nổi rồi, thầy cho con nghỉ học phụng dưỡng cha mẹ…
-Không được, lớp trẻ thời nay chưa đạt tiêu chuẩn về đạo đức và đối nhân xử thế, đạo đức của thánh hiền rơi rớt theo thời gian làm tủi thẹn vong linh của các bậc tiền bối, con cái đời nay có hiếu để chỗ nào đâu, còn nói rằng áo đi mưa mặc qua khỏi đầu, trò phải ở lại trường đọc quyển Hiếu Kinh của ta để ở thư viện…
Lần sau anh ta chịu hết nổi bèn bạo gan đến xin :
-Thưa thầy cho con nghỉ học luôn để về nhà cày cấy buôn bán làm ăn…
-Không được! Đang học văn chương chữ nghĩa thánh hiền về làm nông chưa có kinh nghiệm và buôn bán thì thường là bóc lột lừa đảo người khác, trò chưa hiểu hết… phải ở lại học thêm!
-Thưa thầy chừng nào con hết học ạ?
-Chừng nào chết là hết học vậy!
-!!!???
*Bây giờ nếu hỏi khi nhìn lá số khi nào chết?
Có nhiều cách:
1* Hết học hỏi.
2* Nhìn vào đại tiểu hạn trùng phùng đầy các sao hàng thứ dữ: Kình, đà, hỏa, linh, không, kiếp, tử, triệt, tuyệt, tuần vây phủ kín mít là xong!
3 *Khi nào xây mộ?
Ông thầy mở quyển Tam thế diễn cầm xem số người chết có mả không, nếu có thì xem thêm tử vi đại tiểu hạn trùng phùng ngày tháng năm nào có sao “mộ” chiếu và bấm độn xem giờ hòang đạo để khởi công….
ĐOÁN TỬ VI (8)
I- Đoán các vận hạn (tiếp theo)
Luận đoán nguyệt hạn (xãy ra tháng nào), thời hạn (xãy ra trong thời gian nào), nhật hạn…. bạn tham khảo thêm trong sách, nhưng mà xãy ra trong phút và giây thì Cụ Trần Đoàn chưa cho biết phương pháp.
II- Các tính chất của các bộ sao:
Ngày xưa người ta chỉ chú trong hai môn là “văn” và “võ”. Hiện nay phải quan niệm lại “văn” tương đương với lý thuyết, và “võ” tương tự như thực hành. Sau đây là tính chất tổng hợp của các bộ sao:
a)-Sát, Phá, Liêm, Tham (SPLT): 100% thực hành
b)-Tử, Phủ, Vũ, Tướng (TPVT): 60% thực hành, 40% lý thuyết
c)-Cự, Nhật (thái dương): 60% lý thuyết, 40% thực hành.(CN)
d)-Cơ, Nguyệt(thái âm), Đồng, Lương(CNĐL): 100% lý thuyết
III- Các ảnh hưởng của tôn giáo, chính trị, xã hội:
a) 12 sao vòng Trường sinh: Phật giáo
b) 12 sao vòng Lộc tồn : Lão giáo
c) 12 sao vòng Thái tuế: Nho giáo
IV- Tương quan giữa mệnh (thân) và đại hạn (đại vận):
a/-Mệnh “Cơ nguyệt đồng lương” (CNĐL) gặp đại vận “Sát phá liêm tham” (SPLT): rất khó khăn, trắc trở.
b/- Mệnh SPLT gặp đại vận SPLT: tốt
cC/- Mệnh CNĐL gặp đại vận CNĐL : tốt
d/- Mệnh SPLT ….-nt-…. CNĐL : kém , rủi ro
e/-…”… SPLT ….-nt-… TPVT : khá tốt
f/-….”… TPVT…-nt-…TPVT : tốt
g/-…”… TPVT…-nt-…SPLT : hoạt động thêm lên một chút
h/-…”…TPVT …-nt-…CNĐL: khá, hơi kém một chút.
i/-…”…TPVT…-nt-… CN : giảm kém chút ít
k/-…”…CN…..-nt-….TPVT: giảm kém chút ít
Ngoài ra còn phải xét thêm các trung tinh, hung tinh… để luận đoán cho chính xác.
V-Phụ ghi:
Qua các cách tôi đã hướng dẫn các bạn, kết hợp với quyển tử vi của tác giả nào đó mà bạn đã có trong tay, bạn hãy bắt đầu tự xem cho mình và lập kế hoạch cho cả cuộc đời của mình. Điều chắc chắn theo tôi nghĩ chỉ chính xác nhiều lắm là 44,5% mà thôi, nếu bạn nào tin 100% thì tôi không dám nhận xét phê phán gì thêm.
Thực sự tử vi là một phương pháp thống kê cổ của người Trung Hoa dựa theo các chuyển vị của tinh tú trong từng giờ và tổng hợp theo các lý lịch cá nhân có liên quan. Tuy tử vi của Trung Hoa xem đến tận giờ sinh có chính xác hơn tử vi phương Tây nhiều (vì phương tây chỉ tính đến tháng sinh). Nhưng cũng có vấn đề cần nhận xét: các lá số sinh cùng giờ có giống nhau hoàn toàn không? Tôi đã quan sát theo dõi 4 người sinh cùng giờ trong nhiều năm qua, kết quả cũng nghiệm ra một số điều lý thú, trong đó một cặp song sinh tiêu biểu tôi xin kể (xin giấu tên)
- Hai anh em cùng chuyên môn về tự nhiên: người anh là kỹ sư cơ khí, người em là thầy giáo (Kỹ sư tâm…hồn?) dạy …vật lý! Hơn nữa cả hai cùng có phong cách giống nhau.
* Hai cô học trò cũ của tôi không có bà con với nhau cũng giống tương tự như thế, nghề nghiệp tương tự nhau (người chuyên nhãn khoa, người chuyên nha khoa
), cùng ở nước ngoài gần nhau ( Pháp, Bỉ), cùng có chồng Tây lai Việt…

Còn rất nhiều trường hợp thú vị khác mà sau nầy bạn có kinh nghiệm sau khi tìm hiểu học hỏi.
Nên nhớ rằng tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu là rất tốt, tuy nhiên không nên dùng cách xem tử vi này mà làm nghề sinh sống. Trước kia tôi đã bị các cụ trong nhà nghiêm cấm nhận … “thọ tài hưởng thực!”- Tội càng nặng thêm vì dám lộ cơ trời (lậu thiên cơ). Trong tháng nầy là cuối mùa mưa bão lụt lội, tôi không dám viết thêm nữa vì có ai đang cầm búa trên mây
(?) chờ xử tội kẻ dám lậu thiên cơ…
hihihi…-./.
(Phantran - 2007)

*******************************************************

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Lý học đông phương (suite)


..

PHẦN III – Thiên văn

Trước khi vào câu chuyện hôm nay , thiết nghĩ các bạn cũng cần biết một số quan niệm và thuật ngữ của thiên văn cổ phương tây cũng như phương đông như sau:
-Trái đất là tâm vũ trụ, cố định, tinh tú đều xoay quanh trái đất . (Hệ địa tâm)
* Đường hoàng đạo: là đường đi biểu kiến của mặt trời (sao Thái Dương) và mặt trăng (sao Thái Âm) trên bầu trời. Mặt phẳng hoàng đạo được xác định bởi tâm trái đất và đường hoàng đạo.
* Mặt phẳng hoàng đạo chia bầu trời thành hai bán thiên cầu, và có hai cực là thiên cực bắc và thiên cực nam.
Xác định thiên cực bắc là điểm gần trùng với sao Bắc Đẩu (còn gọi là sao Tử Vi) của chòm Bắc Đẩu nhỏ (Tiểu hùng tinh - Gấu nhỏ) . Kéo đường thẳng theo trục đứng của chòm Nam Tào ở phía Nam cắt đường chân trời (cũng ở phía nam) là điểm gần trùng với thiên cực nam.
* Có 5 hành tinh đi trên đường hoàng đạo nhìn thấy bằng mắt thường, dĩ nhiên cũng có một số hành tinh đi lệch một góc vài độ so với đường hoàng đạo, muốn nhìn thấy rõ được chúng phải đợi sang thời “Tống” mới có kính đeo mắt và kính thiên văn do sự giao lưu giữa đông và tây qua đường tơ lụa hoặc đường biển - (lúc nầy chiếc gương đồng soi mặt của Trung Hoa đã bị lỗi thời).Thủ đô Tràng An tràn ngập khoảng gần 10.000 sinh viên các nước Tây Á đến học tập khoa học kỹ thuật của Trung Hoa, việc du học nầy chấm dứt sau khi đạo quân Mông Cổ quyết chí liều chết để nam tiến mặc dầu Tống triều đã dùng tất cả binh mã và vũ khí như súng thần công và địa lôi nhưng cuối cùng trường thành cũng đã bị vỡ một đoạn nơi xung yếu ….
*Mười hai chòm sao trên hoàng đạo được phương tây an vào (cho thêm) một số tính chất để xem tuổi (thực ra xem tháng dương lịch!). Mỗi chòm sao cách nhau khoảng 30 độ được tượng hình bằng cách khoanh vùng trời cho giống “cái con” gì đó, cũng có vài chòm sao lệch khỏi đường hoàng đạo… Thử học thuộc lòng câu thần chú theo thứ tự: như sau:
“ Cừu; Bình; Cá; Dê; Trâu; Nam; Bắc; Sư; Nữ; Cân; Hổ, Mã”
Các bạn sẽ thuộc ngay tên 12 chòm sao (nhìn bằng mắt thường) :
1/- Cừu : Dương Cưu, Miên dương, Ma Kết, giống con cừu.
2/- Bình : Bảo Bình, giống chiếc bình cổ Hy Lạp.
3/- Cá : Song Ngư, giống hai con cá, (tôi chỉ thấy đầu hai con cá như mũi dao găm).
4/- Dê: Sơn Dương, Bạch Dương, giống con dê.
5/- Trâu : Kim Ngưu , giống giống con trâu.
6/- Nam: Song Nam, Song Tử, giống hai thanh niên - [tôi chỉ thấy giống số hai La Mã (II)].
7/- Bắc : Bắc Giải, Cự Giải, giống con cua. (bằng mắt thường tôi chỉ nhìn thấy hai con mắt - không thấy yếm, càng, ngoe!).
8/- Sư: Hải Sư , Sư Tử, giống con mèo xồm.
9/- Nữ: Xử nữ, giống cô gái còn trinh tiết? -(tôi không sao giải thích được!).
10/- Cân: Thiên Cân- Thiên Xứng, giống cái cân - (tôi chỉ thấy có hai ngôi sao đối xứng qua đường hoàng đạo).
11/- Hổ: Hổ Cáp; Thiên Hát, giống cái cày hoặc con bọ cạp- (con nầy thì quá đẹp và rất rõ, có càng, mình, đuôi dài uốn cong và có cả cây kim để chích thuốc!).
12/- Mã : Nhân Mã; giống sư phụ của Hercule đang trương cái cung sắp bắn ai đó.
Muốn biết hôm nay thuộc tháng mấy dương lịch, người ta nhìn chòm sao nầy xuất hiện đi vào quỹ đạo của mặt trời sắp sửa lặn ở hướng Tây (thực sự bị ánh sáng mặt trời che lấp) là biết tháng mấy, Thí dụ chòm Bắc Giải đi theo mặt trời để lặn thì chính là tháng 7 dương lịch, tương tự tháng 8 dương lịch thì chòm Hải Sư lặn chung với mặt trời v.v…
* Tên gọi 12 chòm sao trên do chính người Trung Hoa dịch lại của phương tây vào thời Tống đến nay vẫn chưa nhất trí lắm. Riêng tên khoa học của các chòm nầy thì có nhiều bạn đã biết nên không đề cập đến, Khi muốn chỉ một ngôi sao nào đó, người ta đặt mã số cho sao này bằng chữ số (hoặc chữ Hy Lạp) thuộc chòm sao nào… nếu bạn muốn biết nhiều thêm về thiên văn tôi xin mách nhỏ : “ Bạn nên thi vào Đại học Sư Phạm, ở nơi nầy sẽ có vài chục tiết học Thiên văn đại cương để nghiên cứu trong 4 năm rưởi, còn các trường khác có dạy môn này hay không thì thú thật tôi không biết!”.

Thật buồn cười khi nghĩ lại thấy Đông phương và Tây phương gặp nhau ở chỗ trên mặt đất có chính quyền như thế nào thì ở âm phủ và thiên đình cũng tương tự… cũng có các cơ quan hành chính, quân sự, thần dân v.v…
Riêng thiên văn của Trung Hoa vào thời Tống đã bị ảnh hưởng của phương tây, nhưng các truyền thuyết về các “vị thần sao” thì phải nâng cấp thêm một ít cho được cập nhật, trong đó thì ngoài các vị sao vừa đi tuần trên hoàng đạo vừa phân công các chòm khác có nhiệm vụ tuần tra ở hai bán thiên cầu, tất cả binh tướng đều phải trực ban đầy đủ (12 ca trực) trên 12 cung thiên bàn gồm 28 vị sao:
-Phía Đông: Giốc, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, . ( chòm Thanh Long)
-Phía Bắc: Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích. (chòm Huyền Võ)
-Phía Tây: Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Tư, Sâm. (chòm Bạch Hổ)
-Phía Nam: Tỉnh, Quỷ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn. (chòm Châu Tước).
I- So sánh thiên văn của đông và tây phương thời cổ:
Vào Thời bấy giờ, cả Đông và Tây phương đồng quan điểm con người là một tiểu vũ trụ, do đó tất cả các tinh tú đều có ảnh hưởng liên đới đến con người, Thiên văn học phương tây phát triển theo chiều hướng khoa học và chuyển dần từ hệ địa tâm sang nhật tâm, trong khi đó một bộ phận thần bí hoá chuyển hướng xem tuổi (tử vi) theo 12 cung hoàng đạo, dùng kính thiên văn xem hành tinh nào đi vào chòm sao nào mà phán quyết may rủi…
Thiên văn của đông phương cũng không kém, dùng các sao định vị tại thiên bàn-địa bàn, dùng để xem thiên tượng có ảnh hưởng gì đến quốc gia trong năm, dùng để lập tử vi, tìm cuộc địa lý, đoán số mệnh v.v… có phần ly kỳ hơn. Dĩ nhiên là sự an sao này cũng có quy luật âm dương, ngủ hành và theo phương pháp thống kê cổ điển của người Trung Hoa. Khách quan mà nhận xét thì tử vi của phương đông (Trung Hoa) có phần chính xác hơn nhiều, lý do phương tây chỉ thống kê tính chung chung đến tháng là hết, trong khi phương đông lập bảng thống kê tính đến cà năm, tháng ngày, giờ
Tôi có thử truy tìm so sánh xem 108 vị sao dùng cho tử vi của phương đông với bản sao đồ hiện đại xem có thật hay không? Qua nhiều năm dò tìm tôi đã nghiệm ra một số việc:
1-Có khoảng gần 40% là các sao trên bảng tử vi có thật, do cách gọi theo phương đông mà chúng ta chưa nhận ra. Tôi xin kể một số chòm sao sử dụng trong tử vi:
a/-Chòm Tử Vi và chòm Thiên Phủ : gồm 14 chính tinh (sao lớn), chòm Tử Vi gồm : TửVi, Thiên Cơ , Thái Dương (mặt trời), Vũ Khúc, Thiên Đồng, Thiên Lương; chòm Thiên Phủ gồm: Thiên Phủ, Thái Âm (mặt trăng), Tham Lang, Cự Môn, Thiên Tướng, Thiên Lương, Thất Sát, Phá Quân, trong đó Tử Vi và Thiên Phủ luôn đối xứng với nhau qua trục dần thân, (viết đến đây sao cảm thấy giống Thiên Can Bắc Đẩu Trận của Kim Dung !), chòm nầy gắn liền với truyền thuyết “phản Trụ đầu Châu ”.
b/- Chòm Thái Tuế : gồm 12 sao- chịu ảnh hưởng triết học Nho giáo.
c/-Chòm Lộc Tồn, Bác Sĩ: gồm 13 sao- chịu ảnh hưởng Lão giáo.
d/- Chòm Trường Sinh: gồm 12 sao- chịu ảnh hưởng của Phật giáo.
* Riêng chòm “Kiến trong Lục Nhâm tôi vẫn còn lưỡng lự, gồm có: Kiến, Vượng, Thai, Một, Tù, Tử, Hưu, Phế, Cô, Hùng, Phúc, Lợi . Trong chòm nầy có 3 sao, một số còn lại tôi dò tìm trong sao đồ tương ứng chưa ra!
Các chòm sao khác xin các bạn tự nghiên cứu.
2-Một số sao không có thật trong sao đồ mà thực ra là các tính chất phụ thuộc, sở dĩ người Trung Hoa cho thêm vào là để cho đủ 12 vị rót vào để an sao vào địa bàn cho công bằng đối với 12 cung!
3-Tôi có thử dùng các trình máy tính để giải, thực ra chỉ là những nhận xét rời rạc và có khi vô cùng mâu thuẫn với thực tế. Có khoảng 40.000 lời giải của máy tính như thế không đâu vào đâu cả. Như thế giá trị thủ công của các “thầy- bà” vẫn còn được một số người ưa chuộng! Máy tính chẳng qua là an sao dùm cho đở nhọc.
4- Khi giải phải gom các sao và tính chất thành bộ chính chiếu (đối xung), bàng chiếu, tam hợp chiếu, nhị hợp chiếu, các lân cung hỗ trợ, tính chất gia giảm (lương y tỉnh dược) mà có phát huy được không? Tính chất “văn, võ” với các bộ sao như thế nào? (Nên nhớ là không dùng ngủ hành sinh khắc trong môn nầy!). Như vậy muốn tìm hiểu một cung thì phải sử dụng ít nhất ba cung liên quan chính chiếu và bàng chiếu.Trái lại với lục nhâm chỉ xem tam hợp cung (chỉ xem thêm 2 cung bàng chiếu).
5- Có một số khuyết điểm của môn nầy là chưa giải đáp thoả mãn được một số yêu cầu :
-Số con, số anh chị em, cha mẹ, đất đai kết phát, trường hợp cùng múi giờ, hiện tượng song sinh …
6- Xét một bản tử vi có lời giải thường gặp là:
-Một bản tử vi đã an đầy đủ 108 vị sao
-Một quyển tập 100 trang tha hồ cho các “thầy- bà” nói dóc:
* Chỗ nào không thuộc phú giải của Trần Đoàn (hoặc có khi không hiểu, dịch bậy bạ hết sức) thì dùng “Phú nôm cốt tuỷ” của cụ Lê Quý Đôn (có khi tìm kiếm không ra), lúc đó “thầy- bà chửa cháy” bằng cách áp dụng ngủ hành sinh khắc các sao, các quẻ dịch để lấm láp cho qua…. Thực chất là người giải đoán tử vi chỉ dùng phú của Trần Đoàn mà thôi, ngủ hành và dịch lý do người Trung Hoa đã mất chính thư nên họ chuyển sang cách nầy để giải tử bình!
* Một bản tử vi giải đoán có giá trị thường người ta bọc da có đề tựa rất đẹp. bên trong có bản an sao và lời giải hoàn toàn theo phú Trần Đoàn, kèm theo phú nôm của Việt Nam ( Phú nôm cốt tuỷ của Lê Quý Đôn), lời giải cho từng cung, vận hạn, mỗi cung đoạn như vậy có một bài thơ vịnh bằng thất ngôn tứ tuyệt (hoặc bát cú) để luận thêm. Tôi cũng đã đọc được vài bản văn loại nầy, nếu không kể phần huyền hoặc thì đây là văn bản rất nên thơ, giá trị, có khi các cụ khôi hài đùa trong bài thơ vịnh mà phải đến đời sau con cháu mới biết nhận ra!
* Việc giải đoán hiệu quả thường các cụ nhận xem cho đương số (còn gọi là đương sự) trong thời gian rất lâu, tôi có hỏi tại sao không làm nhanh các cụ bảo đây cũng là loại “Lương y tỉnh dược”, phải trầm ngâm suy nghĩ cân lượng cho đủ 108 vị thuốc sao cho chính xác trước khi xuất khỏi dược phòng giao cho bệnh nhân!?
Bản tử vi mà các bạn thường gặp chỉ là các sao an trên địa bàn. Một cung trống ở chính giữa đề tên họ, ngày, tháng, giờ sanh chính là nhân bàn. Đường biên giữa nhân bàn và địa bàn là thiên bàn.
Muốn lập kế hoạch đời người theo hàng tháng, hàng năm….. thì các sao phải an lại theo thiên bàn, việc này rất khó nhìn và khó nhớ do đó phải sử dụng nhiều bản phụ, đây là điểm yếu của “các thầy - bà” mới vào nghề còn non tay ấn….
II- Sự truyền bá các lý học đông phương về Việt Nam:
Bình quân khoảng 300 năm thì một vương triều của Trung Hoa bị suy tàn (kể cả Việt Nam cũng tương tự!), các quý tộc Lưu Hán, Lý Đường, Triệu Tống bỏ chạy trốn về về “An Nam” ẩn náu chờ ngày phục nghiệp, dĩ nhiên họ được sự che chở của vua chúa Việt Nam, họ truyền lại các sách vở mang theo về nam, các thư liệu nầy gọi là “chính thư”, các vương triều Trung Hoa dùng các chính thư này để tuyển chọn nhân tài và cả vua chúa Việt Nam cũng “noi theo” như vậy!
Một số quý tộc Trung Hoa ở Việt Nam cũng dùng “chính thư” này đã giúp cho Nam triều và có nhiều công sức, có người được phong tước “Công”. Các thư liệu về sau cũng tiếp tục truyền về Việt Nam nhưng có sự khác biệt, gần như mâu thuẫn với chính thư, bị giới sĩ phu Việt Nam chê là “man thư” (sách dỏm) không sử dụng.
Từ đời Minh Thái tổ đến Minh Thành tổ, các vua này nghiêm cấm truyền các học thuật cho du học sinh các nước vì xem họ là các gián điệp, một loại con ngựa thành Troa chờ ngày xâm chiếm Trung Hoa, họ quyết tâm gia cố các tuyến trường thành, sau 20 năm chuẩn bị, họ dồn đại quân vượt trường thành xuyên qua đại mạc để rửa hận, bao vây nước Mông Cổ và thẳng tay giết hơn ¾ dân số để trừ hậu hoạ, số sống sót mở đường máu chạy trốn đến tận Nga La Tư gởi biểu về xin hàng! Nhà Đại Minh bắt buộc họ phải từ bỏ quốc hiệu Đại Nguyên, xưng Thác Đát và triều cống như cũ. Nhưng đâu ngờ mối hiểm hoạ lại nằm trong trường thành - nước Kim cũ dần dần phục hồi cường thịnh tự xưng là Đại Thanh dẫn quân tiến về Yên Kinh!
Các học thuật được ghi lại trong sách gồm rất nhiều đề tài, ở đây tôi không liệt kê tất cả, có một số các bạn đã trao đổi trực tiếp với tôi về một vấn đề chính là tử vi. Liệu tử vi đông phương có chính xác trong việc lập kế hoạch cuộc đời không ?
Tôi xin thưa rằng việc lập kế hoạch có đạt được 40% là quá hay. Ai nói đạt hơn nữa là láo khoét, vì đây chỉ là phương pháp thống kê liên thông giữa tinh tú (thiên), vận nước (địa), đời người (nhân), nên chính xác phải nói là 33,33%.

PHẦN IV - Địa lý thời trung cổ
Lý học đông phương về địa lý có khác biệt với tây phương ở chỗ họ chọn đồi cao, thiết kế, ánh sáng, hướng gió…sự phòng thủ, sự lưu thông nước sinh hoạt… và dần dần chuyển hệ sang khảo sát và khai thác sử dụng các quặng mỏ… Riêng đông phương, thì ngoài các sử dụng trên có thêm ý nghĩa là tạo sự nghiệp lâu dài cho các vương triều, giòng họ, nhân dân…
Từ thời Cao Biền đã có những cuộc khảo sát địa lý chủ yếu là yểm các long mạch không để Nam quốc không có cơ hội phát triển thế lực (?). Tuy nhiên theo các cụ thì qua hàng ngàn năm các trấn yếm của Cao Biền đã hết thời hiệu và hiện nay “nước Nam” đang phục hưng …
Theo các sách vở địa lý cổ thì nơi kết phát chính là nơi “để đất ” tuỳ theo âm dương hoặc lớn nhỏ mà sử dụng các công việc như:
a/-Nếu kết phát tại một điểm nhỏ thì dùng làm âm phần (mộ tổ).
b/-Nếu kết phát lớn thì dùng làm dương cơ (thành quách, châu, quận, huyện…).
Thế đất đẹp thì phải có đủ tay long và tay hổ chầu ở hai bên tả hữu , trước có : án (bàn bureau), chiêng, trống (?), nghiên, bút , minh đường : ruộng, ao(?), đàng sau phải có huyền võ: núi đồi, cây cối rậm rạp (?), dụng cụ là tấm hoạ đồ đã sơn vẽ đậm lợt theo các độ cao, một tróc long bàn, một số cọc nhọn, dây căng, một kính lúp, v.v…. Tuỳ theo hình thế đất mà phát to hay nhỏ, có “sát” hay không, hay là đất “bình dương” (đất lành)….
Một quyển sách các cụ thường hay đề cập đến là “Huyền võ cấm thư”. Đó là một quyển sách cấm thời Đường luận về các cuộc địa lý, có đồ hình minh hoạ, các cụ cho biết đây là một bộ đầy đủ tất cả các trang (chép và vẽ bằng tay trên giấy bản), trong khi tại Quốc Gia Thư Viện (Sài Gòn cũ ) có một bộ như vậy (mộc bản) nhưng thiếu mất vài trang. Tôi cũng có nhiều lần đi thực địa với các cụ để cùng tróc long điểm huyệt. Có cụ vừa đi vừa ngâm phú của Tả Ao: “ Khum khum gọng vó chẳng nó thì ai; Thè lè lưỡi trai chẳng ai thì nó?”. Tôi có thấy mu rùa, ốc hả miệng thè lưỡi nào đâu? Chỉ là một số gò đống lù lù…. Một cụ khác chỉ : “Xem con long nó chạy kìa…!?”. Tôi cố nhìn nhưng không thấy con long (rồng) nào cả, chỉ thấy bụi nước bắn bay mù theo suối như làn sương… đường đi bộ thì gồ ghề tôi vô ý đến nổi bị trượt té, tay tôi cố giữ “tróc long bàn” không để bị hỏng, còn chân tôi bị tróc “lông” và trầy xước !!! …. Đã thế còn bị cụ quở: “Đồ thằng nhỏ … con mắt để trên chân mày!”
Chuyện buồn cười là khi xưa các cụ đã chọn được đất gần quốc lộ 01 gần Thủ Đức, có hơn 100 mộ táng vào đây cũng là thân tộc các đời trước của tôi, nhu cầu mở rộng thành xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa, cả khu vực này phải di dời, các cụ thu gom từng bộ hài cốt vào tiểu sành sẽ tìm đất khác táng. Ba tôi lúc còn sống ổng hay nói : “Tiên tích đức hậu tầm long đem gởi vào chùa cho xong”. Việc xãy ra như thế ông tôi nói “Có đức mặc sức mà ăn, không đức hốt ….. mà ăn” làm cả nhà cười ầm.
Thế rồi nguyên cuộc đất như thế bị máy ủi đứt hết cả long mạch và cho đổ nhào xuống hố. Các cụ trong tiểu sành lần lượt về quê cũ ở Quảng Nam, gởi theo hai đợt ghe bầu về được cố quận an toàn, chuyến thứ ba lật úp xuống biển (cù lao Chàm), may là không ai chết!
Thưa các bạn!
Lý học đông phương cũng có quy luật vận động, nhưng rất tiếc đã bị gán ghép nhiều tính chất kỳ bí khó tin, tuy nhiên khi ta đã hiểu các quy luật trên rồi thì không có gì là huyền hoặc nữa, việc tin hay không để hậu xét, chủ yếu là vui xem và giết thì giờ, trong cách diễn đạt của tôi thì hạn hẹp như ếch nhái ngồi đáy giếng, riêng các cụ thì đang cùng nhau uống trà trên … nóc tủ, tôi cũng chẳng biết nói gì hơn, nếu có điều chi không phải xin các bạn niệm tình tha thứ!
*******************************************************